Những Tháng Ngày Rong Ruổi – Tony Buổi Sáng

Thời sinh viên, Tony có lần đi làm phục vụ ở 1 quán nhậu được mấy tháng. Trong quá trình làm, Tony ưa nghe lỏm những câu chuyện của khách, vì họ nói to. Những cậu thanh niên mặc đồ công sở, cứ 5-6h chiều là họ tấp xe máy vô quán, gọi thùng bia rồi cụng ly bắt ngửa cổ 100%, nói chuyện về ca sĩ diễn viên, bạn bè, gái gú, người này người kia, toàn nói về người.

Còn những người sang hơn, họ đi taxi đến quán thì họ nói về chuyện buôn bán làm ăn, cơ hội kinh doanh đầu tư. Thời đó, xe hơi chưa nhiều, nên ai đi taxi hầu như là người khá giả. Tony xin anh quản lý cho phục vụ “đám nhà giàu”, anh quản lý từ chối. Nhưng biết ý ảnh, Tony nói em hứa với anh là nếu có boa, em sẽ gửi hết cho anh, cái em cần là nghe những câu chuyện họ nói với nhau, mong anh giúp em, em không có cơ hội nào khác để nghe người khá giả trong xã hội nói chuyện.

Anh quản lý thấy tha thiết quá nên đồng ý, thế là cứ có xe taxi đưa khách tới là kêu “khách mày tới kìa”. Tony lập tức ra đon đả mời vào, hầu hạ họ, kêu gì làm đó, thậm chí dắt đi vào nhà vệ sinh đứng chờ họ ói rồi dìu vô xe taxi, có khi còn theo họ về tận nhà giao cho bà vợ rồi mới về. Tony luôn xớ rớ đừng gần để họ ngoắc 1 cái là có mặt liền.

Trong quá trình phục vụ, Tony đã nghe rất nhiều câu chuyện hay về cách thiên hạ kiếm tiền. Rồi thấy nhóm này kiếm tiền kiểu mua bán bất động sản cũng chỉ tới tầm đó là hết, Tony bèn xin nghỉ để vô 1 khách sạn 5 sao, nơi lui tới của những doanh nhân hàng đầu tiếp khách quốc tế, xin vô làm phục vụ bàn ăn cho được dù ngoại hình và ngoại ngữ dư sức làm lễ tân.

Lần này Tony có cơ hội biết được những chai rượu và điều xì gà giá chục ngàn đô, mới hiểu là ăn/ngủ chỉ là 2 tầng cơ bản của tháp nhu cầu Maslow. Thời gian làm phục vụ ở đó là cơ hội để nghe được bao nhiêu lời hay ý đẹp, bao nhiêu quan điểm và tư tưởng phóng khoáng, nghĩ lớn, nghĩ lạ, tiếng Anh về investment, project, charity fund này nọ.

Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc và năng lực Anh ngữ khá, Tony vô ngồi máy lạnh toà nhà cao nhất VN khi ấy, cuối tháng nhận lương tiền đô nhưng sao trong lòng thấy không có gì thú vị. Tự thấy mình cần 1 người thầy chỉ dẫn đi đến một mục tiêu táo bạo đột phá hơn. Tình cờ Tony đọc trong 1 cuốn sách, đại loại có ý: “Cơ hội là cái người trẻ thiếu, ai cho mình cơ hội thì là quý nhân, một đời nhất định phải trân trọng. Và tuổi trẻ, PHẢI chủ động tạo ra cơ hội, đi tìm cơ hội. 10 lần đi tìm cơ hội, có thể 9 lần không được, có thể lần thứ 10 cũng không, nhưng mình sẽ vẫn tiếp tục bỏ tiền, bỏ thời gian ra để tìm cơ hội thứ 11. Người ngốc nghếch sẽ xem trọng giá cả, người thông minh sẽ xem trọng giá trị”.

Tony bừng tỉnh, và làm mọi thứ để làm quen cho được tầng lớp thượng lưu, nhóm người trong khách sạn 5 sao mà mình từng đã phục vụ. Tony đi bán thẻ đánh golf, rồi bán đồng hồ Rolex, rồi bán xe hơi, bán chung cư biệt thự, tư vấn du học… cứ mỗi công việc làm chục ngày, dù tiếp cận được và cũng bán được hàng, cũng có tiền đồng ra đồng vô, nhưng mình không thể có thời gian kết thân với họ.

Một lần bạn Tr, nhân viên 1 công ty du lịch tiết lộ là bên tao có tour đi Sing Mã, tao mới bán được cho gia đình ông Y, một doanh nhân nổi tiếng vì giúp người. Mà mày biết giá tour này gấp chục lần tour thường, vì họ không muốn đi chung với người bình dân, ồn ào phiền nhiễu họ. Tour đi Cruise qua eo biển Malacca. Tony nằm nghĩ cả đêm, quyết định mượn thêm tiền để tham gia tour này.

Khi nghe xong, bạn Tr nói khùng quá, tụi mình mới ra trường mà, tour Sing Mã bình thường có mấy trăm đô à, để tao đặt cho. Tony nói không, cái tao cần là nghe người giàu họ nói gì, họ chơi gì, họ ăn gì, họ tư duy thế nào chứ không có nhu cầu thăm quan. Tao muốn làm cái gì đó lớn lao cho quê nhà tao, cho anh chị em bà con tao có việc làm chứ không phải ngồi trên thành phố này, ngồi ở văn phòng máy lạnh họp cả buổi, đấu tranh với boss để tăng lương 50, 100 đô như vầy nữa.

Tr nói vậy hả, tao không có chí lớn, nhưng tao xúc động trước chí lớn của mày. Nếu mày mưu cầu việc lớn vậy để tao giúp, rồi nó tất tả chạy đi mua cho bộ đồ hiệu, chai nước hoa Polo mà lần đầu tiên Tony vụng về bấm chơi chơi mà nó xịt thẳng vô mắt. Nó bịa chuyện với công ty là nhà mình có mấy chục hectare cà phê, đi du lịch trước khi đi du học, nên người ta mới cho phép Tony mua tour.

1 tuần đi chung với đoàn sang trọng này, mình tận mắt thấy sự phong lưu. Họ hỏi nhau là “con/em có thích ăn cái này không”, gật đầu thì họ order. Rồi họ dậy sớm, đi gym chạy bộ, cả nhà đều thế. Rồi chiều đi bơi, tối đánh bài trong casino ngay trên tàu để giải trí. Họ uống 1-2 cốc rượu vang, cocktail. Họ ăn vài ba miếng cá, ăn nấm và đậu nhiều chứ không ăn thịt đỏ. Sáng thấy họ luôn để 10 đô, 20 đô trên giường để người dọn phòng vào dọn. Các bữa gọi riêng…họ đều kín đáo nhét dưới dĩa 1 ít tiền tip cho nhân viên phục vụ. Họ nói rất nhỏ. Và cứ gặp mình là họ cười. Mở miệng là khen. Nhưng Tony cảm giác thấy sợ sợ thế nào ấy, có lẽ họ ở 1 level cao quá cao mà mình không với tới được.

Rồi một buổi chiều, thấy anh Y một mình đứng trên boong tàu ngắm hoàng hôn, Tony mới tới mời 1 ly Mojito ở quầy bar. Ngồi uống, Tony khai thật là em mới ra trường, làm lương chỉ có nhiêu đó, nhưng có vay mượn thêm và lấy ngày phép để đi cái tour này. Nghe xong, anh Y không hề ngạc nhiên. Anh nói, vừa nhìn em, anh chị biết em là ai. Ánh mắt của em nói lên tất cả. Mình hỏi sao biết, em cũng xức nước hoa Polo đỏ và áo quần cũng hiệu từ trên xuống mà.

Cái mình năn nỉ, bảo em cũng không tự ái đâu, em không có tiền thì em nói em không có tiền. Anh nói “em sau này sẽ rất giàu có, được nhiều người yêu mến. Nếu thật sự muốn nghe thì anh sẽ nói, vì cái này khá tế nhị, người thường sẽ chịu không nổi, bế anh ném xuống biển mất”. Mình gật đầu, nói em đã lên tàu này rồi, em xuất thân từ 1 gia đình mà bữa ăn nào cả nhà cũng nhìn và nhường chén cơm cuối cùng cho nhau hết, và anh biết không, chính em là người ăn chén cơm còn lại đó.

Tất cả 6 người trong nhà em đều nghĩ là em thông minh học giỏi, nhường em và kỳ vọng em làm điều lớn lao. Em từng ngủ công viên thi ĐH, em đã làm không chừa công việc nào để tấm bằng ĐH, để tìm được 1 việc làm. Em không phải hạng người tào lao tự ái vặt khi người ta chê mình. Không có tiền thì người ta khinh, mình muốn cỡ nào cũng không thay đổi được quan điểm của người khác về mình đâu. Ảnh gật đầu và nói, em biểu diễn rất tốt, nhưng trong ánh mắt em vẫn còn nét tiểu nông, nhất là nhìn người khác nhiều quá. Anh nghĩ là em trong giai đoạn bị hội chứng “inferiority complex”, phong thái chưa sang.

Ví dụ em ngồi hay rung đùi, nhai nhóp nhép, hay chép miệng, vẫn quan tâm giá cả thay vì giá trị, vì có lần anh nghe thấy em nói chữ “đắt/mắc” khi trò chuyện cùng đoàn. Mình ngạc nhiên cùng cực, nói trời, vậy giá cao thì nói sao, anh nói, “anh chỉ quan tâm giá trị”. Cái mình hỏi lại, vậy khi mình thấy giá trị không đúng với giá cả, mình sẽ phải làm sao? Ảnh nói “người thường sẽ tiếc nuối, tiếc tiền, dẫn đến cảm xúc tiêu cực, như đòi bồi hoàn, hoặc tiểu nhân thì tìm cách gỡ gạc lại chút đỉnh. Do em chưa tính hết giá trị. Người hiểu biết sẽ thấy không giá cả nào mua nổi giá trị mà mình trải nghiệm được, từ đó mà thái độ họ enjoy hẳn, không có phàn nàn chuyện vặt, không để ý tiểu tiết”.

Nghe anh nói xong mà mình bàng hoàng, đúng là sáng giờ mình cứ nôn nao, 2 ngày nữa hết tour mà mục tiêu chính là tiếp cận anh chưa được, hơi hối hận vì số tiền đã bỏ ra, thấy khó chịu với mọi thứ. Bắt đầu có tâm lý gỡ gạc nên bao nhiêu cái free voucher, em lấy ăn uống hết, trưa nay em chơi 2 ly nước cam to cho “lại tiền”. Ổng cười ha hả, nói “anh có thấy, trong đoàn, có em đi cũng vui. Lâu rồi trong các mối quan hệ của anh không còn ai vậy”.

Anh Y nói, khi trò chuyện với đoàn, em vẫn còn nhắc đến từ XA. Từ XA là tối kỵ trong giới doanh nghiệp đó em, nói XA thì sao đi đâu được mà tìm thấy cơ hội. Nhà anh ở Cần Thơ mà anh vẫn đặt nhà máy ở Cà Mau, đi về hết mấy tiếng, bạn bè anh ở Mỹ hay ở châu Âu vẫn bay qua nhà anh ở Cần Thơ để ăn tân gia, đám cưới,….và anh cũng vậy, họp lớp ở nước này nước kia là bình thường. Có khi chiều nay gọi hỏi mai rảnh không, qua Thái uống cà phê, là anh và bạn bè vội bay qua để uống cà phê sáng ở Sheraton bờ sông Chao Phraya. Ai mà nói từ XA, bọn anh không giao du nữa, vì tầm nhìn họ rất nhỏ hẹp, làm chung trước sau gì cũng tan rã. Ai nói ĐẮT/MẮC cũng vậy, tự mình giới hạn năng lực chi tiêu của mình, từ đó mà cơ hội lớn sẽ không đến được. Em không làm ra tiền nhiều nên trong từ điển mới có chữ EXPENSIVE. Giá trị không bao giờ có thể so sánh được, nên không thể có chữ ĐẮT hay RẺ. Em còn quan tâm đến giá cả, thì vẫn khó làm được cơ nghiệp. Em nói thử đi, bao nhiêu tiền thì đắt, bao nhiêu dặm thì xa?

Hơi nóng mặt, nên mình buộc miệng phản kháng “thì có tiền, anh mới dám nói vậy”. Anh cười, anh mất nhiều lắm chớ, nhưng không quan tâm, mất tiền là được bài học. Mua học phí giá nào cũng nên mua, anh xuống tiền đầu tư mấy lần và mất trắng, vẫn vui vẻ làm lại. Em thấy đó, sự tự ái chỉ có ở người nghèo. Sự sĩ diện hão cũng chỉ có ở người tự ti, mong người khác tôn trọng bằng cách cố tạo ra cho mình 1 vỏ bọc như bằng cấp, địa vị, tiền của, biệt thự, nhà cửa, siêu xe, chân dài….nhưng không có được đâu em, kể cả em có chục triệu đô, giàu thì dễ nhưng sang thì rất khó. Ví dụ chị vợ anh tối về kể cho anh nghe trong đoàn, có mỗi mình em ham ăn, bữa nào buffet thì toàn thấy lấy tôm hùm và thịt bò Mỹ, uống vang rót ào ào không nhìn nhãn, không biết loại nào là loại nào. Ly Mojito này, em uống xong tới đáy mà vẫn hút rột rột.

Rồi em quen uống cà phê rang cháy đậm mùi hoá chất của Việt Nam nên cà phê Arabica hạng sang vậy em nói sao loãng quá, nhạt quá, lại vị chua lè. May mà em chưa phàn nàn nhiều như khách du lịch bình dân, dù giáo sư tiến sĩ hay tỷ phú hay có chức sắc, sang là khái niệm họ khó sở hữu được, vẫn phàm phu tục tử thôi em. Nghe anh nói, Tony không thấy ngượng, chỉ thấy trong lòng dâng lên 1 nỗi biết ơn. Ai chỉ cho mình những cái này, chưa ai cả. Mình lớn lên từ văn hoá bao cấp nghèo đói, cha mẹ thầy cô cũng thế, nên cốt cách sang trọng quý phái chưa thể có được một sớm một chiều. Và còn nhiều thứ cần phải điều chỉnh, học hỏi lắm.

Xong rồi anh kết luận, những gì em đang mong chờ từ anh, anh không giúp được, nhưng anh sẽ chỉ cho em 1 cơ hội, em có dám không. Mình gật đầu, trừ phạm pháp hay hại người khác, em sẽ từ chối, còn lại em đồng ý hết, vay mượn đi tìm cơ hội, nếu ai đó tin em mà cho mượn, em chỉ tín chấp thôi vì không có bất cứ tài sản gì. Ảnh nói good, vậy tuần sau em bán xe máy, đi xe buýt đi làm, mọi thứ chuẩn bị 2 tháng sau đi Hongkong tham dự 1 cuộc thi kia đi.

Em sẽ làm quen được với ban giám khảo là các doanh nhân lớn của họ. Ở các nước phát triển, doanh nhân đàn anh sẽ chỉ cho đàn em vào nghề, còn nước mình thời điểm này thì chưa. Anh sẽ viết thư giới thiệu cho em đi thi cuộc thi khởi nghiệp đó. Nếu em thắng, em sẽ có được tiền. Nếu em không, thì em sẽ mất vé máy bay, chi phí ăn ở đi lại, 1 mình ở xứ người, em sẽ phải xoay sở tất cả. Mình nói, anh chưa nói xong, em đã bấm nút PLAY. Em chốt.

Trả lời